Một ly Kyoto latte ở %Arabica có giá 110.000 đồng, matcha soft cream giá 145.000 đồng, thậm chí một chai nước lọc tới 80.000 đồng.
%Arabica đã mở cửa hàng đầu tiên ở “chung cư cà phê” 42 Nguyễn Huệ với giá đồ uống dao động từ 65.000 đồng đến 145.000 đồng. Thương hiệu đến từ Nhật Bản này thu hút sự quan tâm, chú ý của giới trẻ vì trước đó đã có mặt tại nhiều quốc gia láng giềng như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan.
Như vậy, %Arabica là thương hiệu quốc tế tiếp theo bên cạnh Starbucks và Amazon tấn công vào thị trường Việt Nam. Cuộc chiến giành thị phần của %Abrabica chắc chắn sẽ cam go khi phải đối mặt với những thương hiệu nội địa luôn nằm trong top of mind của khách hàng như Highlands, The Coffee House, Trung Nguyên.
Đắt hơn Starbucks
Chọn “chung cư cà phê” 42 Nguyễn Huệ làm địa điểm ra mắt, %Arabica đã thể hiện rõ sự trân trọng các yếu tố địa phương tại quốc gia mà họ đặt chân tới. Địa điểm này tại TP.HCM cũng rất có sức hút với giới trẻ và du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, cũng vì vậy mà cửa hàng này có diện tích khá khiêm tốn với thiết kế mộc mạc, đơn giản. Không gian khiến nhiều người thất vọng, nhất là sau khi đã trải nghiệm cửa hàng %Arabica hoành tráng tại Bangkok, Thái Lan. Khách hàng cũng phải đi vòng vèo tìm chỗ gửi xe, trả tiền đi thang máy rồi mới có thể nhâm nhi, thưởng thức một ly latte nổi tiếng tại đây.
Menu của %Arabica cũng khá đơn giản với các loại cà phê như expresso, latte, matcha latte cùng nước chanh và nước lọc.
Đáng nói, giá cả tại đây nằm ở mức khá cao, dao động từ 65.000 đồng đến 145.000 đồng tùy theo size. Một ly Kyoto latte có giá 110.000 đồng, matcha soft cream giá 145.000 đồng hay một chai nước lọc 80.000 đồng.
Mức giá này cao hơn hẳn các thương hiệu như Highlands, The Coffee House, Trung Nguyên hay Phúc Long.
Theo một khảo sát của IPOS thực hiện với 3.490 người, 44% số người được khảo sát sẵn sàng chi tiêu trong khoảng 41.000-70.000 đồng cho một lần đi cà phê, tương đương mức giá tại các thương hiệu kể trên. Chỉ 14% sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn 70.000 đồng. Nghĩa là, chỉ một nhóm nhỏ khách hàng có thể tiếp cận với mức giá của %Arabica.
Thậm chí, giá đồ uống tại thương hiệu Nhật Bản này còn nhỉnh hơn khoảng 10.000-15.000 đồng/món đồ uống so với Starbucks – cái tên được đánh giá là “sang chảnh” tại thị trường Việt Nam.
Chính Kenneth Shoji – founder của %Arabica cũng thừa nhận ông được truyền cảm hứng từ Starbucks. Thương hiệu này phủ sóng tại Nhật Bản khi Shoji còn là sinh viên và ông đã dành nhiều ngày ngồi tại các cửa hàng Starbucks để trò chuyện và học tập với bạn bè.
Sau 10 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Stabucks được đánh giá là còn khá chật vật với 87 cửa hàng ở 7 tỉnh, thành. So với các chuỗi đồ uống khác, số cửa hàng của Starbucks tương đối khiêm tốn, đứng sau các chuỗi nội địa như Highlands (592), The Coffee House (154), Phúc Long (130) và Trung Nguyên (95).
Tờ CNBC từng có bài viết lý giải tại sao Starbucks thành công khắp thế giới nhưng chỉ chiếm chưa tới 3% thị phần cafe ở Việt Nam. 3 lý do được đưa ra là thứ nhất, người Việt Nam có quá nhiều lựa chọn địa phương để thưởng thức cà phê. Thứ hai, các cửa hàng cà phê phương Tây phục vụ cà phê làm từ hạt Arabica – loại chiếm tới 75% cà phê thế giới. Trong khi đó, cà phê Việt Nam được ủ bằng hạt cà phê Robusta, có vị đắng hơn, ngon hơn và hàm lượng caffeine cao hơn và rẻ so với hạt Arabica. Lý do cuối cùng được CNBC đưa ra là người Việt Nam đã quá trung thành với lối thưởng thức cũ để thử thứ gì đó mới.
Vậy nên, nối bước Starbucks ở thị trường Việt Nam, %Arabica sẽ gặp không ít khó khăn trong việc chinh phục khẩu vị của người Việt.
Tiềm năng nào cho “tân binh”?
%Arabica được thành lập bởi Kenneth Shoji vào năm 2014. Cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này được mở tại quận Higashiyama, cố đô Kyoto.
Các cửa hàng của %Arabica đề cao phong cách tối giản, phù hợp với các nguyên tắc thiết kế của Nhật Bản về sự đơn giản đồng thời kết hợp các yếu tố thiết kế địa phương lấy cảm hứng từ các quốc gia mà họ đặt chi nhánh.
Tính đến năm 2023, chuỗi này có mặt tại 20 quốc gia với 142 cửa hàng trên toàn thế giới, bao gồm Vương quốc Anh, Mỹ, Indonesia, Qatar, Trung Quốc, Canada, Bahrain, Malaysia, Morocco, Kuwait, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Hàn Quốc, Thái Lan, Oman, và Việt Nam.
%Arabica bắt đầu khảo sát thị trường Việt Nam từ năm 2020 nhưng đến bây giờ mới mở cửa hàng đầu tiên với sự hợp tác của công ty đầu tư The Kho Group (TKG) có trụ sở ở Hong Kong. TKG vận hành danh mục đầu tư gồm 19 thương hiệu trong các ngành bất động sản, công nghệ, tài chính và bán lẻ.
Trong khi %Arabica đánh dấu bước đột phá đầu tiên của công ty vào lĩnh vực bán lẻ thực phẩm và đồ uống, TKG cũng đầu tư vào nhà máy rượu vang Pháp Pont Des Arts và thực phẩm – công nghệ Hong Kong có tên Future Salad.
Vynce Nguyễn, Tổng giám đốc TKG nói với Insider Retail rằng %Arabica sẽ mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm cà phê đặc sản mới tại thị trường cà phê truyền thống lâu đời của Việt Nam.
Thương hiệu đến từ Nhật Bản có kế hoạch khai trương cửa hàng thứ hai tại Việt Nam tại trung tâm mua sắm Diamond Plaza và đang khám phá tiềm năng mở rộng tại Hà Nội, Hội An và Phú Quốc.
Allegra World Coffee Portal – nền tảng thông tin chuyên ngành về ngành cà phê của Anh – dự báo các chuỗi cà phê Việt Nam sẽ có tổng cộng khoảng 5.200 cửa hàng vào 2025.
Báo cáo ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) khu vực châu Á của Kantar World Panel cho biết ngành đồ uống Việt Nam sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh đã có sự phục hồi. Quý III/2022 ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình là 5,2%, chỉ kém tốc độ tăng trưởng trung bình của toàn châu Á 0,4%.
Nhìn chung, thị trường về dài hạn vẫn còn nhiều tiềm năng nhưng cũng không dễ chinh phục với những tân binh như %Arabica.
Thời gian gần đây, thị trường chuỗi đồ uống tiếp tục biến động khi Phin Deli đóng cửa một số chi nhánh còn KIDO thoái vốn khỏi TTV – đơn vị sở hữu chuỗi Chuk Chuk. Katinat, Cheese Coffee là các thương hiệu bền bỉ gia tăng số lượng cửa hàng bên cạnh sự xuất hiện của những cái tên đáng gờm như Phê La, Rang Rang…