Xuất khẩu cà phê Việt sang Italy tăng trưởng ấn tượng

Tháng 1/2023, xuất khẩu cà phê của nước ta sang hầu hết các thị trường giảm do nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Italy tăng mạnh. Cuối năm 2022, cà phê Việt Nam chiếm hơn 20% thị phần tại Itay.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 1/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Italy đạt 17.270 tấn, trị giá 35,71 triệu USD, tăng 78,9% về lượng và tăng 81,5% về trị giá so với tháng 12/2022, so với tháng 1/2022 tăng 30,5% về lượng và tăng 27,1% về trị giá.

Tháng 1, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang thị trường Itay đạt mức 2.067 USD/tấn, tăng 1,4% so với tháng 12/2022, nhưng giảm 2,6% so với tháng 1/2022.

Xuất khẩu cà phê Việt sang Italy tăng trưởng ấn tượng
Thị trường Italy ưa chuộng cà phê Việt

Về chủng loại, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu các chủng loại cà phê Robusta, Arabica và cà phê chế biến sang thị trường Itay.

Trong đó, xuất khẩu cà phê Robusta năm 2022 đạt 135.610 tấn, trị giá 277,85 triệu USD, tăng 8,0% về lượng và tăng 28,7% về trị giá so với năm 2021; cà phê Arabica đạt 3.330 tấn, trị giá 14,38 triệu USD, tăng 110,5% về lượng và tăng 227,9% về trị giá. Ngược lại, xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam sang Italy giảm 12% so với năm 2021, đạt 3,37 triệu USD.

Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu, trong 11 tháng năm 2022, Italy nhập khẩu cà phê từ thế giới đạt 653.410 tấn, trị giá 2,28 tỷ EUR (2,43 tỷ USD), tăng 10,5% về lượng và tăng 69,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Lượng nhập khẩu cà phê của Italy từ Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 tăng 16,4% và tăng 80,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 139.560n tấn, trị giá 324,22 triệu EUR (345,36 triệu USD). Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Italy từ thế giới tăng từ 20,28% trong 11 tháng năm 2021 lên 21,36% thị phần trong 11 tháng năm 2022.

Trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, so với tháng 1/2022, xuất khẩu cà phê của nước ta sang hầu hết các thị trường giảm, nhưng xuất khẩu sang nhiều nước tăng khá mạnh như: Italy ( tăng 27,2%), Hà Lan (tăng 76,5%), Indonesia (190%).

Bên cạnh thị trường Italy, Trung Quốc cũng được coi là thị trường có tiềm năng lớn đối với ngành cà phê xuất khẩu toàn cầu khi tốc độ nhập khẩu cà phê của nước này đã tăng lên mức cao nhất là 717,96 triệu USD vào năm 2022.

Tại Trung Quốc, cà phê hòa tan, cà phê chế biến sẵn đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Đây được coi là yếu tố thúc đẩy tiêu thụ cà phê chế biến tại thị trường đông dân nhất thế giới này. Thị hiếu tiêu dùng của người dân Trung Quốc ngày càng ưa chuộng cà phê chế biến, cà phê pha chế sẵn chất lượng cao từ châu Âu, Hoa Kỳ. Trong khi đó, ngành cà phê Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta dưới dạng thô.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *